4 Yếu tố giúp trẻ phát triển trí tuệ cha mẹ cần biết
Trẻ lớn lên, không chỉ cơ thể phát triển mà trí tuệ cũng cần phải phát triển. Và cả hai phải phát triển song song với nhau chứ không thể trí tuệ hay cơ thể phát triển trước được. Để giúp trẻ phát triển toàn diện, ba mẹ có thể tham khảo thêm một số bài viết trong 3 Series được đặt ở cuối bài nha.
Ở bài viết này, mình cùng nhau tìm hiểu một số yếu tố giúp trẻ phát triển trí tuệ nha.
Đầu tiên, điều kiện cần để cơ thể, trí tuệ phát triển là gì?
Để cơ thể phát triển, trẻ cần:
- Một nơi an toàn để sống, học tập và vui chơi.
- Thức ăn đa dạng bao gồm cả chất đạm và các loại rau xanh.
- Nghỉ ngơi và vận động.
Tham Khảo Thêm: 5 điều cha mẹ cần làm để giúp trẻ khỏe mạnh
Để não bộ phát triển, trẻ cần:
- Cảm thấy an toàn, yên tâm, được yêu thương và thấu hiểu.
- Có người ở bên nói chuyện cùng, hát cho trẻ nghe và đọc cùng với trẻ.
- Được nhìn và làm những điều mới lạ cùng người khác.
- Có thật nhiều thời gian để chơi đùa.
Trí tuệ và cơ thể của trẻ lớn lên cùng nhau.
Một số yếu tố và ví dụ cụ thể giúp trẻ phát triển trí tuệ:
Nội Dung Bài Viết
Vui Chơi Giúp Trẻ Phát Triển Trí Thông Minh
Vui Chơi Là Cách Để Trẻ Học
Trẻ học khi chúng chơi, trẻ sẽ học cách làm quen, hòa hợp với những người khác và học làm những điều mới trong khi chơi
- Hãy cho trẻ những đồ vật khác nhau để chơi cùng và cho trẻ những trải nghiệm mới.
- Trẻ cần khám phá, bạn hãy để trẻ tự mình thử làm một điều gì đó. Trẻ sẽ học được nhiều hơn so với việc được người lớn làm những điều này cho trẻ.
- Hạn chế thời gian cho trẻ ngồi trước màn hình. Trẻ sẽ không học được nhiều khi chơi trò chơi điện tử, chơi điện thoại, sử dụng máy tính hoặc xem tivi. Khi chủ động chơi với các đồ vật hoặc với những bạn khác, trẻ sẽ học được nhiều điều bổ ích hơn. Do vậy, đừng nên cho trẻ dưới 24 tháng tuổi xem ti vi hoặc ngồi trước màn hình các thiết bị điện tử.
Vui chơi chính là cách để trẻ học, để trẻ phát triển trí tuệ. Trẻ cần được vui chơi ngay từ lúc mới được sinh ra.

Trò Chơi Thử Đoán Đồ Vật
Bạn có thể giúp trẻ phát triển trí tuệ bằng trò chơi “thử đoán đồ vật” với bé. Hãy sử dụng 1 chiếc túi và vài vật dụng mà bạn có thể tìm được xung quanh nhà. Lấy khăn che mắt bé lại hoặc bảo bé nhắm mắt lại để bắt đầu trò chơi.
Khi bị che mắt, bé sẽ phải sử dụng đến các ngón tay, mũi, tai để đoán các món đồ mà bạn đã cho vào túi trước đó. Thay đổi vị trí qua lại cho nhau để cùng bé chơi trò đoán đồ vật này nha.
- Đoán bằng cách sờ– Cho một số thứ có cảm nhận khác nhau khi sờ vào bề mặt bên ngoài vào túi, chẳng hạn như: khăn giấy, tờ báo, miếng bọt biển. Kêu tên một món đồ trong túi và nhờ trẻ lấy món đồ đó từ trong túi ra mà không được nhìn vào túi. Gọi tên từng loại kết cấu bề ngoài khi trẻ lấy món đồ nào đó ra: mềm mại, nhám, dặm dặm, rít. Hãy thử xem trẻ có thể tìm được món đồ nào có bề mặt láng ở trong túi không?
- Đoán bằng cách lắng nghe – Bạn hãy thử bỏ chiếc chuông nhỏ, chùm chìa khóa, chiếc công tắc, miếng giấy hay những thứ có thể tạo ra tiếng động vào túi. Bạn cho tay vào túi, lấy vật nào đó và làm tiếng động. Thử xem bé có đoán được tiếng động đó là của vật gì phát ra không?
- Đoán bằng cách ngửi – Sử dung một vài chai nhỏ, cho thứ gì đó có mùi vào chai như hành lá, hành tây, gừng, tỏi, dấm, nước tương, mít, táo… Kêu trẻ nhắm mắt lại, ngửi mùi từng chai thử trẻ có đoán được mùi bay ra từ chai đó là của thứ gì không?
Tham Khảo Thêm: Giúp trẻ từ 6 tháng đến 1 tuổi phát triển trí não
Học Hỏi Giúp Trẻ Phát Triển Trí Tuệ
Tạo Cho Trẻ Thật Nhiều Cơ Hội Để Học, Để Phát Triển Trí Tuệ
Bằng cách thường xuyên nói chuyện với trẻ, bạn có thể giúp phát triển não của trẻ. Nên bắt đầu nói chuyện với bé ngay từ lúc bé mới chào đời.
- Miêu tả cho bé những thứ bé nghe thấy và nhìn thấy xung quanh mình.
- Nói cho bé biết bé đang làm gì và bạn đang làm gì.
- Hãy lắng nghe những gì bé nói khi bé bắt đầu biết nói.
- Khuyến khích bé nói và kể về những thứ đang xảy ra với mình.
Đọc hoặc kể chuyện cho trẻ nghe mỗi ngày, giúp trẻ phát triển trí tuệ:
- Dù chưa được nhìn thấy ở ngoài đời, nhưng trẻ vẫn có khả năng học được những thứ có trong sách.
- Bạn hãy nói cho trẻ nghe về những hình ảnh có trong sách khi bạn đang cùng trẻ xem sách tranh ảnh.
- Kể cho trẻ nghe về những việc mà bạn đã làm trong ngày.
- Chia sẻ với trẻ các bài hát, giai điệu và câu chuyện. Kể cho trẻ nghe những câu chuyện về truyền thống, niềm tin, văn hoá và giá trị sống của bạn và cộng đồng.
- Ở ngoài trời trẻ có thể làm được những thứ mà ở trong nhà trẻ không thể làm được. Hãy thường xuyên cho trẻ chơi ngoài trời để giúp trẻ phát triển trí tuệ. Dạy cho trẻ nghe các âm thanh như tiếng lá cây xào xạc, tiếng mèo kêu, tiếng chó sủa, tiếng gà gáy, tiếng các vật va chạm vào nhau, tiếng gió, tiếng sóng biển…
- Đồ chơi cũng là thứ giúp trẻ phát triển trí tuệ. Không cần phải những món đồ chơi đắt tiền, chỉ cần bạn kiếm nhiều loại đồ vật để trẻ chơi. Có thể là những món đồ quanh nhà bạn như ly, cốc, chén bằng nhựa, thùng giấy carton, hộp nhựa, chai nhựa rỗng, xoong, nồi… Những món đồ chơi đó cũng rất thú vị.
Não của trẻ đang phát triển. Ba mẹ hãy giúp trẻ bằng cách đọc cho trẻ nghe, chơi cùng và thường xuyên nói chuyện với trẻ.

Học Hỏi Qua Sách, Đọc Và Kể Chuyện
Trẻ cần có sách để nhìn, để chạm và để nói chuyện, kể với bạn về chúng. Thông qua sách trẻ sẽ học được những ý tưởng mới, những từ mới, và giúp trẻ đọc thành thạo hơn.
- Hãy đọc cho trẻ nghe hàng ngày, rất cần để phát triển trí tuệ.
- Nếu không có sách để đọc, bạn hãy kể về những câu chuyện dân gian truyền miệng, những câu chuyện được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác, được kể từ người này sang người khác.
- Kể cho trẻ nghe những câu chuyện về những điều quan trọng với bạn. Đó có thể là những câu chuyện về ông bà tổ tiên, về cộng đồng, truyền thống, về giá trị sống và niềm tin của bạn.
- Hãy dùng ngôn ngữ mẹ đẻ của bạn để kể cho trẻ nghe. Điều này sẽ tạo cho trẻ cảm giác gắn bó với cộng đồng và tự hào về di sản văn hóa.
Đọc không có nghĩa là chỉ giới hạn ở việc đọc sách. Chữ có ở khắp mọi nơi. Bạn hãy chỉ cho trẻ thấy chữ ở những nơi khác ngoài sách như chữ trên nhãn thức ăn, đồ uống, chữ trên các biển hiệu, quảng cáo.
Tham Khảo Thêm: 4 việc ba mẹ cần làm để chăm sóc trẻ
Sự Gắn Bó Giúp Não Bé Phát Triển
Sự Gắn Bó Của Trẻ Với Cha Mẹ Ông Bà
Khả năng học hỏi của bé bắt đầu từ mối liên hệ tình cảm sâu sắc mà bé hình thành với cha mẹ và những người chăm sóc. Bắt đầu kể từ khi bé còn ở trong bụng mẹ và khi bé vừa mới được sinh ra. Sự liên kết này chính là là sự gắn bó. Sự gắn bó cũng là yếu tố quan trọng giúp trẻ phát triển trí tuệ.
Khi cha mẹ và người chăm sóc bé đáp lại những nhu cầu của bé một cách yêu thương, ấm áp và đáng tin cậy, sự gắn bó bền chặt sẽ phát triển . Bé sẽ phát triển trí tuệ nhanh hơn, có khả năng học hỏi tốt hơn khi bé cảm thấy được an toàn.
Ngay từ lúc bé mới sinh ra, bạn đã có thể xây dựng sự gắn bó bền chặt với bé bằng cách:
- Nói chuyện, cười đùa, chơi với bé và hát cho bé nghe.
- Ôm bé, chạm vào bé, nói chuyện với bé một cách yêu thương và nhẹ nhàng hát cho bé nghe.
- Sự quan tâm của cha mẹ sẽ không làm bé hư, hãy đến với bé ngay khi bé khóc.
- Dỗ dành bé ngay khi bé sợ hãi, đau ốm hay khó chịu.
Não của bé sẽ phát triển rất nhanh khi có sự gắn bó bền chặt giữa bé và ba mẹ.

Trò Chơi Trốn Tìm Và Ú Òa
Khi ba mẹ không ở cạnh, đôi lúc các em bé và trẻ nhỏ sẽ thấy sợ hãi. Bạn có thể giúp bé biết rằng, khi bạn đi đâu đó bạn sẽ luôn quay lại với bé thông qua các trò chơi. Sự gắn bó giữa bạn và bé sẽ phát triển rất nhiều.
- Khi bé được 4 đến 5 tháng tuổi, bạn đã có thể bắt đầu chơi trò ú òa với bé. Hãy ngồi hoặc khom người đối mặt với bé, sao cho mặt bạn ở gần bé.
- Khi bé nhìn vào bạn, hãy lấy tay hoặc quần áo che mặt sau đó nói “Ba/mẹ ở đâu ta?”.
- Khi bé dùng chân hoặc tay gạt tay bạn ra, hãy nhẹ nhàng nói “Ú oà”. Đồng thời cười với bé, đợi đến khi bé cười lại với bạn rồi lặp lại trò chơi thêm vài lần nữa.
- Với bé lớn hơn, bạn có thể chơi trốn tìm với bé. Thay phiên lần lượt tìm hoặc trốn với bé. Bé sẽ có lúc trốn ở nơi bạn dễ dàng nhìn thấy, hãy giả vờ là bạn không nhìn thấy bé và nói, “Con ơi, đang trốn ở đâu đấy?” Bé sẽ cảm thấy phấn khích. Hãy đi tìm một vài chỗ trước khi bạn đến chỗ bé trốn và nói, “Tìm được con rồi nhé!” Sau đó đổi ngược lại, bạn đi trốn và đợi bé tìm thấy bạn.
Tham Khảo Thêm: Cách cư xử của cha mẹ theo từng giai đoạn phát triển của trẻ
Ảnh Hưởng Của Thiết Bị Công Nghệ
Trẻ Và ” Thời Gian Ngồi Trước Màn Hình”
Các hoạt động của trẻ liên quan đến ti vi, điện thoại di động, máy vi tính, trò chơi điện tử, xem băng đĩa, video, sử dụng Internet đều được tính vào thời gian ngồi trước màn hình. Nếu bạn cho trẻ xem ti vi, sử dụng máy tính hoặc chơi trò chơi điện tử thì có thể có những tác hại sau:
- Trẻ có thể nghe thấy những từ ngữ không tốt và nhìn thấy các hình ảnh bạo lực.
- Bạn cần hạn chế tối đa thời gian trẻ được ngồi trước màn hình. Không nên cho trẻ dưới 24 tháng tuổi xem ti vi. Trẻ sẽ giảm ham thích các hoạt động vui chơi và học tập nếu được ngồi nhiều trước màn hình. Ngoài ra, ngồi một chỗ quá lâu, ít vận động có thể làm trẻ dễ mắc bệnh béo phì và kích thích trẻ ăn uống không lành mạnh.
- Ngồi trước màn hình có thể làm ảnh hưởng đến giờ ăn, giờ ngủ, các hoạt động khác của gia đình. Hãy đưa ra các quy định thật cụ thể cho các thành viên trong gia đình như không được xem điện thoại trước khi ngủ, không được xem tivi trong giờ ăn. Hãy giúp trẻ giảm thời gian dùng tivi, điện thoại hoặc máy tính.
- Bạn cũng cần phải hạn chế thời gian sử dụng điện thoại, interner, máy tính hoặc ti vi, để làm gương cho trẻ.

Cho Trẻ Chơi Đồ Chơi Có Sẵn Hoặc Tự Làm Giúp Trẻ Phát Triển Trí Tuệ
Đồ chơi là quần áo cũ
- Tất để đưa tay vào làm con rối.
- Mũ và áo khoác để hóa trang, chơi trò chơi đóng kịch, nhập vai
Đồ chơi là vật dụng trong bếp
- Ly, cốc nhựa có thể đo được thể tích, khăn lau chén
- Chén nhựa, xoong, muỗng.
Đồ chơi là lõi giấy vệ sinh
- Làm ống nhòm.
- Làm con rối tay.
Đồ chơi là hộp rỗng hoặc chai lọ bằng nhựa
- Tạo ra âm thanh bằng cách đập vào nhau.
- Dùng để xếp hình, tạo thành cái tháp.
- Dùng để chưa đồ, phân loại đồ.
- Để chơi với nước và cát.
Đồ chơi là hộp xốp hoặc hộp giấy rỗng
- Lấy các hộp nhỏ xếp chồng lên nhau
- Chơi đồ hàng bằng các hộp xốp đựng thức ăn.
- Làm xe ô tô, xe lửa, xe buýt, thuyền, nhà bằng các hộp giấy lớn.
Bạn có thể “tìm thấy” nhiều đồ chơi giúp phát triển trí tuệ cho bé trong chính ngôi nhà của bạn. Nhưng đồ chơi nào của bé cũng phải mang tính an toàn và vui vẻ.
Đó là 4 yếu tố quan trọng giúp trẻ phát triển trí tuệ mà cha mẹ cần biết. Hi vọng sẽ giúp được cho cha mẹ phần nào trong quá trình nuôi dạy con cái. Nếu có thắc mắc cần giải đáp hoặc chia sẻ ý kiến riêng của mình, mong bạn hãy để lại bình luận vào khung bên dưới. Cảm ơn bạn rất nhiều.
Mời bạn tham khảo thêm các Series bài viết về cách nuôi dạy con cái bằng cách nhấn vào nút bên dưới: