5 Điều cha mẹ nên làm để hướng dẫn hành vi của trẻ đúng đắn
Làm thế nào để hướng dẫn hành vi của trẻ một cách đúng đắn và hiệu quả, áp dụng cách nuôi dạy con tích cực thông qua khen ngợi và khuyến khích động viên. Làm thế nào để cha mẹ luôn giữ bình tĩnh và đưa ra các quy tắc hợp lý cho con? Trò chơi nào có thế giúp cha mẹ dẫn dắt được hành vi của trẻ? Tất cả đều có trong bài viết này, mời bạn tham khảo nha. Nếu có thời gian, bạn hãy đọc thêm bài viết: 4 yếu tổ ảnh hưởng đến hành vi của trẻ để hiểu trẻ hơn, từ đó dễ dàng hướng dẫn hành vi của trẻ.
Nội Dung Bài Viết
Cha Mẹ Hãy Là Tấm Gương Tốt Để Hướng Dẫn Hành Vi Của Trẻ
Trẻ học hầu hết mọi thứ đều thông qua quan sát những gì người khác làm. Đặc biệt là từ ba mẹ, anh chị và các thành viên khác trong gia đình. Cha mẹ hãy luôn là tấm gương tốt cho trẻ và đừng bao giờ làm những gì mà bạn không muốn con bạn làm.
- Hãy để trẻ nghe thấy và nhìn thấy bạn trung thực nếu bạn muốn con mình không nói dối và trung thực.
- Hãy để trẻ thấy bạn chia sẽ và giúp đỡ người khác, nếu bạn cũng muốn trẻ tốt bụng và biết chia sẻ với người khác.
- Hãy để trẻ nghe thấy bạn nói những câu lịch sự đầy đủ chủ ngữ vị ngữ, những câu cảm ơn, xin mời hoặc xin lỗi, đáp lại người khác bằng các từ vâng, dạ nếu bạn muốn con bạn là đứa trẻ lịch sự.
Trẻ học từ những điều bạn nói và bạn làm, hãy là tấm gương tốt để hướng dẫn hành vi của trẻ đúng đắn.

Trò Chơi Vui: Làm Theo Thủ Lĩnh
Hầu hết mọi thứ trẻ nhỏ học đều thông qua việc quan sát và bắt chước mọi người xung quanh. Vì vậy, có thể trẻ sẽ yêu thích trò chơi “làm theo hiệu lệnh”. Cách chơi như sau:
- Cha mẹ làm những hành động đơn giản và yêu cầu trẻ bắt chước theo. Ví dụ, bạn có thể di chuyển xung quanh bằng cách nhảy cóc, quay vòng tròn, bò hoặc nhảy chân sáo. Sau đó bạn hãy đổi ngược lại, để trẻ là người ra hiệu lệnh và bạn làm theo những gì trẻ muốn.
- Bạn cũng có thể chơi trò này cùng trẻ theo cách lặng lẽ hơn. Bạn di chuyển mắt hoặc tay theo những hướng hoặc tạo biểu lộ nét mặt khác nhau để trẻ bắt chước. Sau đó trẻ tự nghĩ ra các hình thái và bạn làm theo.
Hướng Dẫn Hành Vi Của Trẻ Bằng Khuyến Khích Và Khen Ngợi
Bạn hãy cho trẻ biết rằng mình có để ý và luôn ghi nhận mỗi khi trẻ hành xử tốt. Trẻ rất muốn được bạn tán thành.
Khi thấy sự nỗ lực ở trẻ, bạn hãy dành cho trẻ sự quan tâm tích cực bằng việc khuyến khích trẻ, ngay cả đối với những việc rất nhỏ mà trẻ đã làm được. Hãy khuyến khích như: “Con đã rất vất vả để dọn đống đồ chơi bừa bộn của con” hoặc “Con đã rất cố gắng rồi nè”. Không nên đợi trẻ làm được điều gì to lớn, hoàn hảo thì bạn mới để tâm, chú ý đến.

Khen ngợi là việc ba mẹ dành cho trẻ sự quan tâm tích cực – như một cái ôm, lời nói dịu dàng hay một nụ cười với trẻ cho hành động tốt. Cũng như khuyến khích, bạn hãy khen ngợi trẻ khi trẻ đã làm một việc gì đó thành công hoặc làm một việc tốt. Ví dụ, “Con đã tự mang giày một mình” hoặc “Con đã rất chú ý khi mẹ nói”.
- Hãy thật cụ thể. Khuyến khích và khen ngợi có hiệu quả nhất khi bạn nói cho trẻ rất rõ ràng về điều gì bạn thích ở việc trẻ đã làm. Ví dụ: “Con đã rửa tay bằng xà phòng. Rất tốt con ạ”.
- Không chỉ trích trẻ. Khuyến khích và khen ngợi những gì bạn thích trong việc làm của trẻ chứ đừng nên chỉ trích những gì bạn không thích. Làm như vậy sẽ giúp trẻ hiểu được ba mẹ đang mong muốn điều gì ở trẻ.
Khuyến khích và khen ngợi những nỗ lực và thành công của trẻ.
Cha Mẹ Hãy Dẫn Dắt Hành Vi Của Trẻ

- Cha mẹ hãy luôn nhớ đến tuổi của trẻ. Vì còn khá nhỏ nên ngay cả khi trẻ biết hết các quy định, trẻ cũng rất khó kiểm soát bản thân mình. Trẻ sẽ hiểu các quy định và nhớ chúng tốt hơn khi trẻ lớn dần lên. Tham Khảo Thêm: Khả năng của trẻ và cách cư xử của cha mẹ theo 5 giai đoạn
- Hãy theo dõi hệ quả. Trẻ từ 3 tuổi trở lên có thể hiểu mối liên hệ “nhân – quả”, giữa điều trẻ làm với hệ quả sau đó. Giúp trẻ học và rút kinh nghiệm từ lỗi lầm của mình bằng cách đưa ra hệ quả từ hành vi của trẻ. Nhưng hãy đảm bảo rằng, bất cứ hệ quả nào cũng phải thực tế, công bằng, an toàn và đúng với giai đoạn phát triển của trẻ.
- Hãy đưa ra các lựa chọn cho trẻ. Cố gắng đừng đặt các câu hỏi có câu trả lời “không” hoặc “có”. Ví dụ, nếu bạn phải đi đến siêu thị, đừng hỏi “Con có muốn đi siêu thị bây giờ không”, hãy thử nói “Bây giờ, chúng ta sẽ đi siêu thị”. Và ngay sau đó đưa ra các lựa chọn mà bạn có thể chấp nhận được. “Con muốn mặc áo len hay mặc áo khoác vải”.
- Hãy khiến trẻ bận rộn với hoạt động khác khi trẻ muốn làm điều gì đó không đúng với quy đinh ba mẹ đã đặt ra. Bạn hãy cầm lấy tay trẻ và nói “Ba dắt con ra xem cái này ở ngoài sân nè”. Hãy hướng sự chú ý của trẻ sang hoạt động khác.
Cho dù được dạy dỗ tốt đến đâu đi chăng nữa, không phải lúc nào trẻ cũng có thể cư xử theo cách mà cha mẹ muốn.
Trò Chơi Vui: Con Rối Kể Chuyện
Trẻ em thường có những cư xử tệ hơn khi đang cảm thấy buồn chán. Lúc nào, trẻ cũng cần một điều gì đó thật thú vị để làm. Bạn hãy thử sử dụng một con rối để đánh lạc hướng trẻ. Khi trẻ có tâm trạng tốt hơn, hành vi của trẻ ít nhiều sẽ được cải thiện. Thông qua trò chơi, bạn sẽ hướng dẫn hành vi của trẻ dễ dàng hơn

- Dùng một chiếc tất lồng vào bàn tay, bạn đã có thể tạo ra được một con rối đơn giản rồi. Xòe bàn tay để các ngón tay đối diện với ngón cái. Lồng bàn tay vào chiếc tất. Nâng ngón tay cái lên, chạm vào các ngón tay còn lại để tạo ra cái miệng cho con rối. Đẩy ngón tay giữa ra phía trước để tạo thành cái mũi.
- Hãy hỏi trẻ xem nên đặt mắt cho con rối ở đâu. Bạn có thể vẽ đôi mắt bằng bút dạ, con rối của bạn sẽ rất đơn giản.
- Trẻ em có trí tưởng tượng rất tốt. Nếu muốn, bạn có thể khâu sợi len màu để làm mắt cho con rối và đính thêm len làm tóc cho con rối.
- Bạn bắt đầu cử động mồm của con rối và nói bằng các giọng điệu khác nhau. Bạn hãy để ý xem sau bao lâu trẻ bắt đầu nói chuyện với con rối thay vì nói chuyện với bạn. Bạn có thể mang con rối trong túi của mình và đưa ra ngay khi cần. Khi con rối của bạn bắt đầu kể những câu chuyện hài hước, đây có thể trở thành thời gian vui vẻ hơn đối với trẻ.
Cha Mẹ Hãy Tạo Ra Các Quy Định Hợp Lý Cho Trẻ
Đặt ra các quy định và giới hạn cho trẻ. Khi các quy định của cha mẹ rõ ràng, trẻ có thể hiểu được cha mẹ mong muốn gì. Hãy nói cho trẻ biết lý do khi đặt ra các quy định này. Các quy định hàng ngày cần phải nhất quán giống nhau.

- Đưa ra hướng dẫn rõ ràng cho trẻ. Hãy nói cho trẻ biết điều gì trẻ có thể làm chứ không phải điều trẻ không thể. Ví dụ, thay vì nói “Con không được chạy”, hãy nói “Mình đi bộ từ từ thôi”. Thay vì nói “Con không được đánh em bé”, hãy nói “Con hãy chạm vào em bé thật nhẹ nhàng thôi nhé”. Cả bạn và trẻ sẽ cảm thấy vui vẻ hơn nếu bạn không còn phải nói “Không” liên tục nữa. Bạn có thể tham khảo thêm: Cách xử lý những hành vi xấu của trẻ
- Những giới hạn cần phải thay đổi cùng sự phát triển của trẻ. Các quy định của cha mẹ sẽ thay đổi khi trẻ lớn dần lên. Khi trẻ đủ lớn, cho trẻ tham gia cùng cha mẹ trong việc đặt ra các giới hạn hay quy định.
- Hãy thường xuyên nhắc nhở trẻ. Trẻ nhỏ không phải lúc nào cũng nghĩ về các quy định như bạn muốn. Trẻ sẽ mắc rất nhiều lỗi. Hãy kiên nhẫn và bình tĩnh nhắc lại các quy định cho trẻ.
Trẻ cần sự hướng dẫn của ba mẹ, còn ba mẹ cần nhất quán và kiên nhẫn.
Hướng Dẫn Hành Vi Của Trẻ Bằng Cách Kết Nối Và Giữ Bình Tĩnh Cho Trẻ
Để giúp trẻ giữ bình tĩnh thì trước hết cha mẹ cũng phải thật bình tĩnh. Mất bình tĩnh sẽ không giúp ích cho việc dạy dỗ trẻ, không thể hướng dẫn hành vi của trẻ một cách đúng đắn được.

- Đôi khi cha mẹ có thể cảm thấy rất khó khăn để giữ được sự bình tĩnh và sáng suốt. Hãy cố gắng là một tấm gương tốt. Nếu bạn quá tức giận đến mức bạn nghĩ bạn có thể nói hoặc làm gì đó mà sau này nghĩ lại bạn thấy có lỗi, hãy dừng lại một chút. Đảm bảo trẻ đang ở một nơi an toàn. Dành vài phút ở một mình cho đến khi bạn cảm thấy bình tĩnh hơn.
- Giúp cho trẻ bình tĩnh, khi trẻ bình tĩnh, trẻ có thể cư xử tốt hơn.
- Lắng nghe cảm xúc của trẻ. Khi bạn cố gắng hiểu cảm xúc của trẻ, bạn cho trẻ thấy cảm xúc cũng rất quan trọng.
- Giúp trẻ chuyển những cảm xúc thành lời nói. Hãy nói về những cảm xúc thường gặp như buồn phiền, vui vẻ, giận dữ hay sợ hãi. Hãy gọi tên cảm xúc của trẻ. Ví dụ, bạn có thể nói “Mẹ thấy con đang buồn”. Trẻ học về cảm xúc của người khác thông qua việc nói về cảm xúc. Trẻ học cách biết cảm thông khi cảm xúc của chính trẻ được tôn trọng và thấu hiểu.
- Chấp nhận cảm xúc của trẻ. Hãy cho trẻ biết rằng việc tức giận hay buồn phiền là điều bình thường. Bạn có thể chấp nhận các cảm xúc tiêu cực của con nhưng không chấp nhận việc cư xử một cách tiêu cực. Sẽ không sao nếu trẻ cảm thấy tức giận, nhưng việc đánh người khác là điều không chấp nhận được.
Trò Chơi Vui: Thổi Bong Bóng
Hít thở thật sâu và chậm rãi là một trong những cách tốt nhất để giữ bình tĩnh. Cách này có hiệu quả với cả trẻ con và người lớn. Bạn có thể biến hành động này thành một hoạt động vui cùng trẻ, đó là trò chơi thổi bong bóng.

Công thức để làm hỗn hợp thổi bong bóng tại nhà, chắc cũng nhiều người biết rồi nè.
- Cho nước vào một cái xoong hoặc một cái chén, để mực nước trong xoong hoặc trong chén cao khoảng 1cm.
- Cho thêm 3 hoặc 4 muỗng nước rửa chén.
- Khuấy nhẹ để hỗn hợp không bị sủi nhiều bọt.
Bạn có thể dùng bất cứ vật gì có lỗ nhúng vào hỗn hợp để thổi bong bóng. Chẳng hạn như một cái phễu nhựa hoặc bạn cắt một cái lỗ trên cái muỗng nhựa hay nắp nhựa.
Để thổi được bong bóng cũng cần phải luyện tập. Hầu hết trẻ em tầm hai tuổi là đã có thể kiểm soát được hơi thở để thổi bong bóng. Tuy nhiên bạn hãy luôn nhớ rằng, trẻ em thì mỗi trẻ mỗi khác.
Bạn cần giải đáp thắc mắc về cách hướng dẫn hành vi của trẻ hay muốn chia sẻ kinh nghiệm thực tế của mình với mọi người, mong bạn hãy để lại bình luận của mình vào khung bên dưới nha. Cảm ơn bạn rất nhiều.
Mời bạn tham khảo thêm các Series bài viết về cách nuôi dạy con cái bằng cách nhấn vào nút bên dưới: