Cách ba mẹ phòng chống thương tích và giữ an toàn cho trẻ
Trẻ em luôn hiếu động nhưng lại chưa hiểu được các tình huống nguy hiểm nên rất dễ xảy ra thương tích, đôi lúc chỉ trong một tích tắc nhỏ. Vậy các tình huống đó là gì? Tại sao trẻ lại bị thương và ba mẹ có thể làm gì để giữ an toàn cho trẻ? Mời bạn tham khảo bài viết này nha.
Nội Dung Bài Viết
Các Nguyên Nhân Làm Cho Trẻ Bị Thương
Rất nhiều lý do có thể gây thương tích cho trẻ, ví dụ như:
- Để học hỏi và phát triển, trẻ em cần được khám phá. Trẻ muốn và cần được vận động. Các bé trai sẽ thường bị thương nhiều hơn các bé gái. Bởi vì các bé trai hay làm những hoạt động mạo hiểm hơn các bé gái. Bạn có thể tham khảo: 4 yếu tố giúp trẻ phát triển trí tuệ
- Môi trường sống xung quanh trẻ không phải lúc nào cũng an toàn. Có rất nhiều vật dụng được làm ra mà chưa tính đến sự an toàn cho trẻ.
- Không phải lúc nào trẻ cũng đủ khả năng để phân biệt được sự khác nhau giữa cái gì là vui và cái gì là nguy hiểm. Trẻ chưa đủ nhận thức để phản ứng với sự nguy hiểm như cách người lớn làm.
- Trẻ liên tục lớn lên và thay đổi nhanh chóng. Trẻ học các kỹ năng mới và khác nhau mọi lúc mọi nơi. Vì vậy, trẻ cần thêm sự bảo vệ của người lớn khi thực hành những kĩ năng mới.

Đôi khi chỉ trong một tích tắc, trẻ có thể bị thương. Trẻ cần sự trợ giúp của ba mẹ để được an toàn
Ba Mẹ Có Thể Làm Gì Để Giữ Trẻ An Toàn

Để bảo vệ trẻ khỏi những thương tích nghiêm trọng, bạn nên:
- Hãy luôn ở cạnh bên trẻ. Rất nhiều tai nạn có thể xảy ra với trẻ khi ba mẹ hay người chăm sóc trẻ không ở bên cạnh. Nếu trẻ của bạn dưới 1 tuổi, hãy luôn ở bên cạnh bé trừ khi bé đang ở chỗ an toàn, như trong cũi dành cho bé. Hãy ở cạnh trẻ để bạn có thể trông chừng và nhanh chóng tiếp cận trẻ trong bất cứ trường hợp nào.
- Chuẩn bị và tính trước cho trẻ. Khi trẻ phát triển những kĩ năng mới, như biết đi và biết leo trèo, hãy nghĩ trước về những gì bạn cần làm để giữ cho trẻ được an toàn. Tìm những mối nguy hiểm có thể có trong nhà và khi bạn đi ra ngoài. Hãy loại bỏ những nguy hiểm này nếu được.
- Chú ý đến các bước phát triển của trẻ. Hãy để ý đến những thứ mới mà trẻ có thể làm khi trẻ lớn dần lên và những hoạt động dự kiến mà trẻ có thể làm ở mỗi giai đoạn phát triển, bạn có thể ngăn chặn được những thương tích nghiêm trọng cho trẻ.
- Dạy cho trẻ về sự an toàn càng sớm càng tốt. Nói cho trẻ biết cái gì không an toàn và cái gì an toàn.
- Luôn chuẩn bị cho trường hợp trẻ bị thương tích/tai nạn. Phải có một túi Sơ Cứu và danh sách các số điện thoại khẩn cấp để gọi.
- Ba mẹ hãy làm tấm gương tốt. Hãy tự giữ an toàn cho chính mình để trẻ có thể học từ bạn. Ví dụ, thắt dây an toàn khi ngồi trên ô tô, đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp/xe máy.

Hãy chú ý và giữ cho trẻ được an toàn. Hầu như mọi thương tích, tai nạn đều có thể được ngăn chặn.
Tạo Ngôi Nhà An Toàn Cho Trẻ
Một phần trong quá trình chăm sóc trẻ là giữ cho trẻ được an toàn hàng ngày, trong khi ngủ, khi ăn, khi chơi và khi tắm.
Đa số các thương tích hay tai nạn của trẻ xảy ra tại nhà. Ba mẹ có thể hạn chế hoặc ngăn chặn một số các tai nạn thông thường cho trẻ bằng việc làm cho nhà của mình trở nên an toàn với trẻ. Nhìn ngôi nhà của bạn theo cách nhìn của trẻ để xem điều gì có thể nguy hiểm với con.
Để Ngôi Nhà Trở Nên An Toàn Với Trẻ

- Che kín tất cả các ổ điện và tránh xa tầm tay của trẻ, buộc các dây điện lại thật gọn gàng.
- Cất kỹ tất cả các loại thuốc, vitamin, thực phẩm chức nắng, đồ dùng sửa chữa, lau chùi nhà cửa và tất cả các hóa chất nguy hiểm khác vào tủ để trẻ không ăn uống phải và bị ngộ độc. Đảm bảo tất cả những thứ có thể gây nguy hiểm ngoài với và tầm mắt của trẻ.
- Cất các vật dễ cháy, diêm quẹt, bật lửa, vật dụng đựng thức ăn, đồ uống nóng, vật cứng sắc nhọn, các dụng cụ bằng điện, ổ điện khỏi tầm tay trẻ.
- Làm cửa chắn cho 2 đầu cầu thang.
Giữ An Toàn Cho Trẻ Khi Chơi

- Ba mẹ phải luôn ở cạnh và giám sát khi trẻ đang chơi. Dạy trẻ về việc sử dụng an toàn các thiết bị tại khu vui chơi và các món đồ chơi của trẻ.
- Phải chắc chắn rằng những đồ chơi mà trẻ chơi là an toàn. Đồ chơi phải phù hợp với độ tuổi của trẻ. Không cho trẻ chơi đồ chơi của trẻ lớn hơn. Kiểm tra toàn bộ đồ chơi của trẻ và đảm bảo không có chi tiết nào quá nhỏ, cạnh sắt nhọn hay nam châm. Những bộ phận nhỏ có thể làm con của bạn có thể bị hóc hoặc nghẹt thở.
Giữ An Toàn Cho Trẻ Khi Ngủ

- Ba mẹ hãy đảm bảo an toàn nơi trẻ ngủ. Không có các vật dụng gia đình, đồ chơi, túi nilon hoặc chăn màn xếp không gọn gàng để giảm tối đa các rủi ro liên quan đến thương tích và nghẹt thở cho trẻ.
- Hãy giúp trẻ có một môi trường không có khói thuốc trước và sau sinh. Đừng để ai hút thuốc gần trẻ hoặc gần nơi trẻ ăn, chơi và ngủ.
Giữ An Toàn Cho Trẻ Khi Ăn

- Không để các thức ăn, đồ uống nóng, chất lỏng trong tầm với của trẻ hoặc ở rìa cạnh bàn.
- Hãy để trẻ xa, giữ an toàn cho trẻ khỏi khu vực nấu nướng.
- Cắt thức ăn thành từng miếng nhỏ vừa miệng để trẻ ăn
- Chú ý theo dõi trẻ khi trẻ đang ăn để đảm bảo trẻ không bị hóc thức ăn hoặc nghẹt thở, nhất là trẻ dưới 3 tuổi.
Giữ An Toàn Cho Trẻ Khi Tắm

- Chú ý: Không bao giờ là an toàn khi để em bé một mình trong hoặc gần một vật dụng chứa nước, dù chỉ vài giây ngắn ngủi.
- Hãy luôn chắc chắn rằng bạn có thể nhìn thấy và chạm tay vào trẻ khi trẻ ở trong chậu nước tắm hoặc gần nơi có nước. Đối với các em bé nhỏ, phải đảm bảo rằng bạn chạm được vào trẻ khi chỉ cần với tay. Vì bất cứ lý do gì, nếu bạn phải đi khỏi phòng hãy mang trẻ theo với bạn.
Phòng ngừa là yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo sự an toàn của trẻ
Giữ An Toàn Khi Trẻ Ở Ngoài Trời
Trẻ lúc nào cũng yêu thích và cần được chơi ở ngoài trời. Hãy giữ cho trẻ an toàn khi trẻ có các hoạt động vui chơi ngoài trời.
Giữ An Toàn Cho Trẻ Ở Cánh Đồng Và Vườn

- Cánh đồng và vườn đều là nơi để làm việc. Cũng như trong nhà, đó là những nơi có những mối nguy hiểm tiềm ẩn cho trẻ nhỏ. Ba mẹ cần phải để mắt trông trẻ mọi lúc mọi nơi. Trẻ nhỏ được an toàn nhất khi được chơi trong khu vui chơi có hàng rào xa khỏi cánh đồng, vườn và nguồn nước nguy hiểm như kênh rạch, sông, suối, mương rãnh. Hoặc các loại máy móc như máy gặt đập, máy cày, và xa các gia súc như cừu, dê, trâu, bò…
- Giữ cho trẻ ở xa khỏi cánh đồng trong khoảng thời gian thu hoạch. Đây là thời kỳ mọi người bận rộn với rất nhiều máy móc lớn nhỏ được sử dụng, có thể gây nguy hiểm cho trẻ.
- Kiểm tra xung quanh để đảm bảo trẻ không ở khu vực làm việc trước khi cho khởi động máy móc.
- Không an toàn khi ai đó sử dụng công cụ lao động và các loại máy móc ở xung quanh trẻ.
- Không để trẻ em đi trên máy cày, máy kéo và các loại máy móc lớn khác.
- Giữ khoảng cách giữa trẻ và các loại gia súc lớn. Trẻ nhỏ sẽ không được an toàn khi ở gần gia súc lớn
- Khóa kỹ các khu vực chứa hóa chất, phân bón và thuốc trừ sâu
Giữ Cho Trẻ An Toàn Với Xe Lửa

- Đi hoặc chơi trên đường ray xe lửa không chỉ nguy hiểm mà còn vi phạm pháp luật. Nếu nhà bạn ở gần đường ray tàu hỏa, bạn cần sớm dạy cho trẻ về việc giữ an toàn với tàu hỏa và xung quanh đường ray. Không bao giờ được để trẻ ở một mình gần đường ray tàu hỏa.
Giữ Trẻ An Toàn Khi Đi Bộ

- Ba mẹ hãy là tấm gương tốt. Chỉ cho trẻ biết cách đi sang đường thế nào là an toàn. Dạy trẻ các quy tắc về đảm bảo an toàn khi bạn và trẻ đi bộ cùng nhau. Bản thân bạn cũng phải luôn luôn tuân theo các quy tắc an toàn để làm gương cho trẻ.
- Không nên để trẻ dưới 6 tuổi đi bộ một mình. Hãy chắc chắn rằng trẻ đi cùng với anh chị em lớn tuổi hơn hoặc người lớn.
- Bắt đầu dạy trẻ những quy tắc cơ bản kể từ khi trẻ ba tuổi. Ví dụ: Nhìn xe cộ ở cả hai phía khi đi sang đường. Cầm tay ba mẹ khi đi sang đường.
Trò Chơi Dạy Trẻ Về Các Quy Tắc An Toàn

Trò chơi di chuyển và đứng yên theo lệnh.
Sẽ rất khó để một đứa trẻ chịu đứng yên tại chỗ khi bạn muốn trẻ như vậy. Bạn hãy thử cùng trẻ thực hiện một trò chơi di chuyển hoặc đứng yên khi bạn nói những từ làm hiệu lệnh. Hãy chơi cùng trẻ trước tại nhà bằng cách cùng đi xung quanh các phòng.
Khi bạn nói từ “di chuyển”, cả hai lại bắt đầu di chuyển. Những khi bạn nói “đứng yên” thì bạn và trẻ sẽ đứng lại và giả vờ biến thành những bức tượng đông đá.
Khi chơi trò chơi này, trẻ sẽ học cách phản ứng thật nhanh chóng. Sau đó, khi đang đi ngoài đường, bạn có thể dùng chữ “đứng yên” để bảo trẻ đứng lại. Trẻ sẽ dễ tuân theo luật hơn khi trẻ cảm thấy không bị ép buộc mà như thể mình đang chơi trò chơi vậy.
Tham Khảo Thêm: Giúp trẻ từ 3 đến 6 tuổi phát triển tư duy
Hiểu được các nguyên nhân có thể gây thương tích cho trẻ, ba mẹ sẽ biết cách giữ cho trẻ được an toàn. Nếu có thắc mắc gì về bài viết hoặc cần sự góp ý của mọi người, mong bạn hãy để lại ý kiến của mình vào khung bình luận bên dưới nha. Cảm ơn bạn rất nhiều.
Mời bạn tham khảo thêm các Series bài viết về cách nuôi dạy con cái bằng cách nhấn vào nút bên dưới: