Những hành vi xấu của trẻ và cách xử lý phù hợp
Trong các giai đoạn phát triển, trẻ sẽ ngày càng có thêm nhiều hành vi, có cả hành vi tốt và hành vi xấu, hành vi không đúng. Nhiều cha mẹ vẫn còn đang băn khoăn không biết xử lý các hành vi xấu của trẻ như thế nào, sao cho hợp lý. Để trẻ nhận ra và không làm những hành vi xấu đó nữa.
Việc xử lý hành vi xấu của trẻ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu ba mẹ nhìn nhận chúng như là một vấn đề cần được giải quyết. Nếu bạn thường khó kiểm soát cơn nóng giận của mình khi trẻ có hành vi xấu, hãy tham khảo bài này: Làm gì khi ba mẹ nóng giận và muốn đánh đòn trẻ
Nội Dung Bài Viết
4 Bước Để Giải Quyết Vấn Đề Về Hành Vi Xấu Của Trẻ
- Việc gì đang diễn ra?
- Tại sao việc này lại xảy ra?
- Bạn có thể làm gì?
- Cần phải làm gì nếu điều bạn đang làm không hiệu quả?
Trả lời được những câu hỏi này có thể sẽ giúp bạn tìm ra tại sao trẻ lại cư xử như vậy và bạn nên làm gì để giải quyết thật “gọn” những vấn đề này.
Để cụ thể hơn, trong bài viết này mình sẽ đưa ra một số hành vi xấu của trẻ mà các phụ huynh thường gặp và hướng xử lý để mọi người tham khảo nha.
Hành Vi Xấu Của Trẻ: Quấy Khóc
Việc Gì Đang Xảy Ra?
“Bé nhà tôi liên tục quấy khóc, nhưng tôi không thể biết được nguyên nhân vì sao? Tôi có thể làm gì để bé nín đây?”
Tại Sao Việc Này Lại Xảy Ra?
Khóc là cách để con bạn thể hiện rằng bé đang cần một thứ gì đó. Đôi lúc bạn không thể biết được rằng bé đang cần gì, như trường hợp con bạn khóc dạ đề. Các lý do phổ biến khiến em bé quấy khóc là:
- Bị lạnh
- Đói
- Bị đau
- Môi trường xung quanh có quá nhiều tiếng ồn hoặc bé bị phấn khích quá mức.
Tham Khảo Thêm: Cách nhận biết và xử lý các bệnh thường gặp ở trẻ
Ba Mẹ Có Thể Làm Gì?
Bế bé lên và dỗ dành sẽ không làm “hư” bé. Tốt nhất là ba mẹ nên đến với bé ngay khi bé khóc. Không nên để cho bé khó chịu quá lâu, bé sẽ rất khó bình tĩnh lại.
Ba mẹ hãy cố gắng tìm hiểu bé cần gì và giúp cho bé. Để xoa dịu em bé đang quấy khóc, bạn hãy thử những cách sau đây:
- Cho bé bú
- Ôm bé đi bộ vòng quanh
- Ôm bé trong tư thế úp người của bé vào vai của bạn
- Đung đưa bé nhẹ nhàng
- Hát cho bé nghe
- Nói chuyện dịu dàng với bé

Cần Làm Gì Nếu Những Việc Đó Không Hiệu Quả?
Đôi lúc, dường như bạn không thể làm cho bé nín khóc, dù đã làm đủ mọi cách. Hãy cố gắng giữ bình tĩnh và tiếp tục dỗ dành bé. Dành một khoảng thời gian riêng cho bản thân nếu thấy cần. Gọi người thân hoặc bạn bè đến trợ giúp khi việc bé khóc làm bạn thấy quá căng thẳng.
Khi cảm thấy khó chịu đến mức bạn nghĩ mình có thể làm đau bé, hãy đặt bé ở một nơi nào đó bạn cảm thấy an toàn, ví dụ như cũi của bé và rời khỏi phòng. Dành cho mình một chút thời gian để lấy lại bình tĩnh trước khi thử dỗ bé thêm lần nữa.
Không nên và không bao giờ lắc hoặc đánh bé. Khi bị lắc, não của bé có thể sẽ bị tổn thương và chảy máu. Điều này rất nghiêm trọng, có thể khiến bé tử vong hoặc sẽ làm não bộ tổn thường.
Hành Vi Xấu Của Trẻ: Không Chịu Ăn
Việc Gì Đang Xảy Ra?
“Bé nhà tôi hôm nay không chịu ăn cơm!”
Tại Sao Việc Này Lại Xảy Ra?
Có thể trẻ đã ăn nhiều thức ăn hơn lượng mà trẻ cần. Có thể bạn sẽ thấy ngạc nhiên khi biết rằng có một số trẻ em cần rất ít thức ăn để khoẻ mạnh.
Tham Khảo Thêm: Hướng dẫn cho trẻ ăn đúng cách

Ba Mẹ Có Thể Làm Gì?
- Ba mẹ hãy bình tĩnh. Có thể bé không đói, khi bé đói, bé sẽ ăn.
- Chia nhỏ khẩu phần ăn cho trẻ.
- Hãy khuyến khích bé tự ăn khi bé đã chập chững biết đi, kể cả khi bé ăn rơi rớt lung tung.
- Cố gắng cho bé một chế độ ăn đa dạng: Đôi khi một đứa trẻ có thể chỉ muốn ăn một món trong rất nhiều ngày. Do vậy, bé không chịu ăn thức ăn mới là điều bình thường. Bạn có thể mất đến 20 lần đưa ra món mới trước khi bé thử ăn. Đây là điều bình thường. Hãy tiếp tục cố gắng!
- Biến bữa ăn thành thời gian vui vẻ bằng cách trò chuyện, kể chuyện và dành thời gian bên nhau với bé.
- Không sử dụng thức ăn như một phần thưởng hoặc một hình phạt, Sự khuyến khích và quan tâm có hiệu quả tốt hơn nhiều.
- Hãy để bé ăn theo nhu cầu của bé.
Hãy trao đổi với cán bộ y tế nếu trẻ có vẻ mệt mỏi, bị sút cân hoặc không tăng đều đặn về cân nặng và chiều cao.
Hành Vi Xấu Của Trẻ: Tranh Giành Hoặc Đánh Nhau
Việc Gì Đang Xảy Ra?
“Con tôi thường xuyên đánh nhau với bạn bè và anh chị em.”
Tại Sao Việc Này Lại Xảy Ra?
Chia sẻ, hợp tác, biết chờ đến lượt của mình là những bài học khó với tuổi của trẻ và cần thời gian để trẻ học. Trẻ có thể đã học cách đánh nhau thông qua việc bắt chước hành động đấm đá trên phim ảnh hoặc của những người xung quanh. Trẻ nhỏ đôi lúc rất dễ cáu giận. Anh chị em thường tranh giành với nhau và sau đó là đánh nhau. Đây là hành vi xấu của trẻ rất thường gặp.

Ba Mẹ Có Thể Làm Gì?
- Nếu các bé chỉ đang tranh cãi mà không đánh nhau, bạn hãy ở gần bên để can thiệp sớm nếu thấy cần thiết.
- Tách riêng từng trẻ ra nếu các bé dùng những từ ngữ làm tổn thương nhau hoặc đánh nhau.
- Hãy để bọn trẻ có thời gian bình tĩnh lại. Sau đó, gợi ý những cách khác để có được điều mà các bé muốn. Hãy giúp các bé tìm cách giải quyết vấn đề của mình.
- Nếu các bé đánh nhau giành sách, đồ chơi hoặc đồ vật nào đó, bạn hãy tìm cách không để trẻ nào có được đồ vật mà chúng đang tranh giành.
Hành Vi Xấu Của Trẻ: Cắn Người
Việc Gì Đang Xảy Ra?
“Con tôi đã cắn người khác.”
Tại Sao Việc Này Lại Xảy Ra?
Một đứa trẻ có thể có hành vi cắn người khác khi đang có điều gì đó làm trẻ buồn bực hoặc tức giận. Trẻ có thể cắn người khác để gây sự chú ý với cha mẹ hay ai đó. Cũng có thể trẻ cắn người vì đang mọc răng.
Ba Mẹ Có Thể Làm Gì?
- Hãy cương quyết trong lời nói và hành động của bạn. Ba mẹ hãy nói với bé rằng, “Con không được cắn. Cắn sẽ làm người khác đau đấy.”
- Nếu bé nhà bạn đã đủ lớn để hiểu, hãy bảo trẻ “đổi vị trí”. Giúp trẻ hình dung khi bị cắn sẽ đau như thế nào.
- Đừng cắn lại trẻ. Nếu bạn cắn lại, trẻ sẽ nghĩ rằng cắn người thì cũng chẳng sao.

Ngay Khi Trẻ Cắn Người Khác?
- Hãy quan tâm và dỗ dành em bé bị trẻ cắn. Điều này sẽ dạy cho trẻ về việc quan tâm đến người khác.
- Nhẹ nhàng khiến trẻ chú ý và nói cương quyết và bình tĩnh rằng: “Cắn sẽ làm người khác đau đấy. Ba/mẹ sẽ không để con cắn người khác vì người khác sẽ bị đau.” hoặc là “Răng là dùng để ăn.”
- Nếu trẻ đã đủ lớn, hãy yêu cầu trẻ đưa ra các hành động khác. “Cắn người không phải là cách tốt để có điều con muốn. Con có thể nói cho ba/mẹ cách khác được không?”
Hành Vi Xấu Của Trẻ: Hung Hãn
Việc Gì Đang Xảy Ra?
“Con tôi rất hung hăng. Cháu rất thường xô ngã và đánh những đứa trẻ khác khi chơi cùng. Cháu mà chơi ở đâu thì trước sau bọn trẻ cũng sẽ kết thúc cuộc vui trong cảnh đánh nhau, kêu gào và khóc lóc.”
Tại Sao Việc Này Lại Xảy Ra?
- Một đứa trẻ có thể cảm thấy tức giận và buồn bực khi không có được thứ mình muốn.
- Trẻ có thể đẩy, cắn hoặc đánh người khác vì trẻ không biết phải làm gì khác.
- Trẻ có thể cư xử một cách hung hãn khi thấy mệ mỏi, đói hoặc khó chịu trong người.
- Trẻ có thể cư xử một cách hung hăng bởi vì trẻ nhìn thấy người xung quanh hành động như vậy, hoặc trẻ thấy những hành vi bạo lực này ở trên phim ảnh, các chương trình truyền hình hoặc trong trò chơi máy tính.

Ba Mẹ Có Thể Làm Gì?
- Để ý trẻ một cách sát sao nếu bé có hành vi hung hãn. Đừng để trẻ ở một mình với những đứa trẻ khác.
- Ở gần và sẵn sàng can thiệp nhanh chóng. Nhiệm vụ của cha mẹ là giữ cho trẻ an toàn.
- Ba mẹ hãy luôn là một tấm gương tốt. Đừng la hét hoặc đánh trẻ. Hãy cho trẻ biết có nhiều cách để thể hiện cảm xúc thay vì đánh người.
- Đề ra giới hạn và quy định. Hãy nhất quán khi đề ra giới hạn và quy định cho trẻ.
- Hãy thể hiện thật nhiều sự yêu thương để giúp trẻ cảm thấy an toàn và yên tâm.
- Luôn giữ thái độ bình tĩnh. Hãy dành một chút thời gian ở một mình nếu bạn cần.
- Đừng để trẻ xem phim ảnh, chương trình truyền hình và trò chơi máy tính có nội dung bạo lực.
Hành Vi Xấu Của Trẻ: Ăn Vạ
Việc Gì Đang Xảy Ra?
“Khi tức giận hoặc không có được thứ mình muốn, bé sẽ có hành vi ăn vạ.”
Tại Sao Việc Này Lại Xảy Ra?
Hành vi ăn vạ là cách để trẻ xả sự tức giận đang có trong người trẻ. Hành vi ăn vạ thường bắt đầu khi trẻ được khoảng 1,5 tuổi. Độ tuổi mà trẻ bắt đầu nói và hoạt động nhiều hơn. Khi ăn vạ, trẻ có thể gào thét, đấm đá, lăn lộn hoặc đập phá cái gì đó.
Ba Mẹ Có Thể Làm Gì?
Để tránh những cơn ăn vạ của con, bạn nên:
- Khi bạn gặp phải hành vi xấu của trẻ này, hãy cố gắng tìm hiểu tại sao bé lại có hành vi ăn vạ. Ví dụ, bé có vẻ ăn vạ khi đói, khi mệt mỏi hoặc rất phấn khích.
- Cố gắng tuân thủ theo giờ giấc sinh hoạt thông lệ hàng ngày. Hãy đảm bảo giờ giấc ăn uống, nghỉ ngơi và chơi của bé được diễn ra theo thông lệ hàng ngày.
- Tìm cách giải quyết những vấn đề khiến bé cảm thấy bực bội. Ví dụ, khi bé thử làm một việc gì mới, hãy hỏi bé xem bé có cần giúp đỡ của ba mẹ không.
- Ba mẹ hãy giúp bé diễn tả cảm xúc của mình. Điều này giúp bé cảm thấy được thấu hiểu và đỡ bực bội hơn. “Ba/mẹ thấy là con đang tức giận. Ba/mẹ không thể biết là con muốn gì khi con cứ gào lên như thế. Nếu con có thể nói cho mẹ/ba biết con muốn gì, mẹ/ba có thể sẽ làm được điều gì đó cho con.”
- Hãy cho bé thật nhiều thời gian để chơi vận động.
- Nếu bạn thấy bắt đầu có dấu hiệu của cơn ăn vạ, hãy đổi hoạt động cho bé và làm gì đó bình tĩnh hơn. Hãy cố ngăn chặn cơn ăn vạ trước khi nó bắt đầu xảy ra.

Ngay Khi Bé Đang Có Hành Vi Ăn Vạ
- Cố gắng giữ bình tĩnh. Nói chuyện với bé bằng giọng nhẹ nhàng và trấn an bé.
- Giữ cho bé an toàn. Đừng để bé tự làm đau mình hoặc làm đau người khác
- Giữ yên lặng cho đến khi bé bình tĩnh lại.
- Không nhượng bộ cho bé điều bé muốn.
- Không cố giải thích với bé khi bé đang trong cơn ăn vạ.
- Hãy để cơn ăn vạ tự lắng xuống. Sau khi qua cơn ăn vạ, bạn cho bé thời gian để bình tĩnh lại. Lúc này bạn hãy giúp bé gọi tên cảm xúc của mình. Thể hiện cho bé biết là bạn luôn sẵn sàng giúp đỡ bé. Ôm bé và nói một vài từ trấn an bé.
Hành Vi Xấu Của Trẻ: Thường Xuyên Nói “Không”
Việc Gì Đang Xảy Ra?
“Với bất cứ điều gì tôi nói, con tôi đều nói “Không””
Tại Sao Việc Này Lại Xảy Ra?
Trong khoảng từ 18 đến 30 tháng tuổi, bé bắt đầu muốn tự mình quyết định tất cả mọi thứ. Bằng việc nói “Không” bé đang muốn thể hiện cho ba mẹ thấy rằng bé đang học cách tự mình suy nghĩ. Bé không hề có ý định làm bạn tức giận hoặc muốn chống lại bạn khi bé nói “Không”. Đối với trẻ đang trong tuổi chập chững, từ “Không” có thể mang nhiều nghĩa, như là:
- Con muốn tự mình chọn!
- Con muốn tự làm!
- Con muốn làm xong việc con đang làm!
- Con không thích nó!
- Con không muốn làm điều đó!
- Con sợ!

Ba Mẹ Có Thể Làm Gì?
- Bạn hãy luôn giữ bình tĩnh. Mất bình tĩnh sẽ không giúp gì được cho bạn.
- Bạn hãy cho trẻ lựa chọn giữa hai thứ khi bạn có thể. “Con muốn mặc áo len hay mặc áo khoác?”
- Bạn cần tránh tranh luận với trẻ. Cố gắng không hỏi những câu hỏi dạng có câu trả lời “không” hoặc “có”. Ví dụ, nếu bạn phải đi ra cửa hàng tạp hoá, đừng nói là, “Con có muốn đi ra cửa hàng tạp hoá bây giờ không?” Câu trả lời có thể là “Không”. Thay vào đó, hãy thử “Bây giờ mình sẽ đi ra cửa hàng tạp hoá.”
- Bạn hãy ghi nhận khi bé có thái độ hợp tác và nói điều đó ra với bé. “Cảm ơn con vì đã đi giày. Bây giờ chúng ta có thể đi rồi.”
- Bạn hãy dùng “cảnh báo 5 phút” khi bé đang chơi vui và không muốn dừng việc mình đang làm lại. “Năm phút nữa mình sẽ phải rời cửa hàng nhé.
Trẻ Hay Sợ Hãi
Việc Gì Đang Xảy Ra?
“Con tôi hình như đang sợ hãi rất nhiều thứ như sợ người khác, sợ bóng tối.”
Tại Sao Việc Này Lại Xảy Ra?
Sự sợ hãi là điều hoàn toàn tự nhiên. Sợ hãi là cảm xúc mà chúng ta ai sinh ra cũng đã có. Sợ hãi giúp chúng ta sống sót. Đôi lúc sợ hãi sẽ giúp trẻ tránh được những mối nguy hiểm. Khi trẻ lớn lên, những nỗi sợ này có thể sẽ thay đổi. Một vài lý do để trẻ cảm thấy sợ hãi như:
- Bé tưởng tượng ra điều gì đó tồi tệ.
- Có người nào đó có vẻ đáng sợ ở xung quanh bé.

Ba Mẹ Có Thể Làm Gì?
- Hãy nói về nỗi sợ của bé. Nói với bé rằng bạn hiểu bé đang sợ. Hãy cố tìm hiểu tại sao bé cảm thấy sợ hãi.
- Đừng bắt bé phải dũng cảm hoặc phải đối mặt với những điều khiến bé sợ hãi.
- Giúp bé cảm thấy an toàn và yên tâm. Nắm tay bé, ôm bé và ở gần bên bé
- Đảm bảo rằng bé sẽ không nhìn thấy thứ có thể khiến bé sợ hãi hoặc làm nỗi sợ của bé trở nên trầm trọng hơn như phim ảnh, các hình ảnh trên truyền hình hoặc các trò chơi kinh dị.
Trên đây là 8 hành vi xấu của trẻ mà có thể bạn sẽ gặp phải trong quá trình nuôi dạy con. Hi vọng bài viết sẽ giúp cho bạn có thêm một chút kinh nghiệm để xử lý các vấn đề về hành vi này. Nếu có thắc mắc về những hành vi xấu của trẻ cần giải đáp hoặc kinh nghiệm hay muốn chia sẻ cho mọi người. Mong bạn hãy để lại bình luận của mình vào khung bên dưới. Cảm ơn bạn rất nhiều.
Mời bạn tham khảo thêm các Series bài viết về cách nuôi dạy con cái bằng cách nhấn vào nút bên dưới: