Con Cái

Làm gì khi gặp tình trạng bạo lực gia đình và xâm hại trẻ em

Bạo lực gia đình và xâm hại trẻ em luôn là một chủ đề nóng vì đây đều là vấn nạn, là hiện thực nhức nhối của hầu hết các quốc gia. Ở Việt Nam, tình hình cũng không khả quan hơn khi nước ta được xếp vào nhóm 3, là nhóm cuối về tỷ lệ bạo lực với phụ nữ và chỉ số giới tính khi sinh trên toàn cầu. Vậy làm sao để giảm thiểu được tình trạng bạo lực gia đình và xâm hại trẻ em. Và chúng ta cần phải làm gì nếu gặp phải tình huống này. Mời bạn tham khảo thêm ở bài viết này nha.

Bạo Lực Gia Đình Là Gì?

Bạo lực gia đình là một hình thức xâm hại xảy ra trong gia đình hoặc trong một mối quan hệ gần gũi. Người lớn tuổi, trẻ em, phụ nữ và trẻ em thường là đối tượng dễ bị tổn thương vì bạo lực gia đình. Bạo lực gia đình có thể xảy ra dưới nhiều hình thức:

  • Bạo lực tinh thần: dọa dẫm, đe dọa sẽ đánh trẻ con, đe dọa bỏ rơi, không quan tâm, ghen tuông, sỉ nhục, thờ ơ.
  • Bạo lực thể chất: các hành động tát, đá, đấm, xô đẩy, giam cầm, đánh đập.
  • Xâm hại tình dục bao gồm tất cả các hình thức ép buộc tình dục, chẳng hạn như đụng chạm hoặc ép buộc quan hệ tình dục.
  • Trẻ sẽ bị tổn thương khi phải chứng kiến người lớn có các hành vi bạo lực trong gia đình. Thông qua việc quan sát cha mẹ, trẻ sẽ học được cách người lớn hành xử như thế nào. Khi trẻ nhìn thấy một ai đó làm tổn hại đến người mà họ yêu, trẻ sẽ học được rằng đây là một cách mà người lớn đối xử với người khác. Trẻ thường có xu hướng bạo lực, hoặc bị bạo lực cao hơn các trẻ em bình thường khác nếu phải chứng kiến bạo lực trong gia đình.
  • Bài viết nên đọc: Làm gì khi ba mẹ muốn đánh đòn trẻ

Không ai có quyền xâm hại người khác. Không ai đáng bị xâm hại

Bạo Lực Gia Đình Là Vấn Nạn Toàn Cầu
Bạo Lực Gia Đình Là Vấn Nạn Toàn Cầu

Làm Gì Khi Là Nạn Nhân Của Bạo Lực Gia Đình

Có nhiều lý do dẫn đến bạo lực gia đình. Bạo lực gia đình không nên được che giấu dù cho đó là vì lý do gì. Bạo lực sẽ không tự dừng lại nếu chung ta không làm điều gì đó để thay đổi nó. Có thể đó sẽ là một khoảng thời gian khó khăn cho bạn, đặc biệt là khi người làm tổn hại bạn lại là người bạn yêu.

Nếu một người bạn biết hoặc chính bản thân bạn là nạn nhân của bạo lực gia đình, hãy tìm ngay sự trợ giúp. Bạn sẽ cần sự hướng dẫn, hỗ trợ và giúp đỡ nếu bạn quyết định rời bỏ người bạn đời đang có hành vi bạo lực với bạn. Hoặc nếu bạn muốn giúp người bạn đời của mình thay đổi hành vi bạo lực và tiếp tục ở lại với họ, bạn cũng sẽ cần đến sự hỗ trợ và giúp đỡ.

  • Hãy nói chuyện với người thân, bạn bè nào đó mà bạn có thể nương tựa và tin tưởng. Nếu người đầu tiên mà bạn tâm sự không hiểu rằng bạo lực gia đình là sai và đó không phải là lỗi của bạn, hãy tiếp tục tìm kiếm một người khác cho đến khi bạn tìm được người thực sự hiểu vấn đề
  • Tìm hiểu xem có những hình thức hỗ trợ nào đang có tại cộng đồng của bạn. Tìm các số điện thoại khẩn cấp để liên lạc với công an, các đường dây tư vấn và nhà tạm lánh cho phụ nữ.

Xâm Hại Trẻ Em Là Gì

Khi ai đó cố ý làm tổn hại đến trẻ, đó chính là hành vi xâm hại trẻ em. Cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ bỏ bê sao nhãng trẻ hoặc không bảo vệ trẻ cũng là một hình thức xâm hại. Đôi khi cha mẹ buồn bực hoặc trở nên tức giận vì không biết cách xử lý các vấn đề và cảm xúc của mình. Họ lại trút những cảm xúc này lên đứa trẻ. Điều đó có thể trở thành hành vi xâm hại trẻ em.

Những người sống cùng với bạn, các thành viên khác trong gia đình, người làm dịch vụ chăm sóc trẻ hoặc một người lạ nào đó cũng đều có thể xâm hại con bạn.

Tìm hiểu các dấu hiệu cho thấy trẻ đã bị xâm hại và khuyến khích trẻ kể cho bạn nghe về điều đã xảy ra khi bạn không ở cạnh trẻ. Phản ứng của trẻ với việc xâm hại phụ thuộc vào tính cách, độ tuổi và những đặc điểm khác trong cuộc sống của trẻ. Không có đứa trẻ nào giống đứa trẻ nào.

Bài viết nên xem: Khả năng của trẻ và cách cư xử của cha mẹ

Xâm hại trẻ em được chia thành 4 loại chính: xâm hại tinh thần, xâm hại thể chất, xâm hại tình dục và bỏ mặc trẻ em.

Xâm Hại Tinh Thần Trẻ Em

Hình thức xâm hại tinh thần có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến sự phát triển tinh thần và sức khoẻ của trẻ.

Xâm Hại Tinh Thần Trẻ Em
Xâm Hại Tinh Thần Trẻ Em

Xâm hại tinh thần đối với trẻ bao gồm:

  • Nói chuyện một cách thô bạo với trẻ thông qua việc sỉ nhục hoặc xem thường trẻ (“Mày ngu thế.” “Mày là đồ tồi.”)
  • Không thể hiện tình yêu thương khi không bao giờ bế trẻ, ôm trẻ hoặc nói chuyện nhẹ nhàng với trẻ.
  • Kỳ vọng trẻ làm một điều gì đó quá khó cho độ tuổi của trẻ.
  • Mắng mỏ, gào thét, đe doạ hoặc bắt nạt trẻ.
  • Phải chứng kiến những thành viên trong gia đình hoặc vật nuôi bị bạo hành.

Một đứa trẻ bị xâm hại tinh thần có thể:

  • Nhút nhát và sống khép kín.
  • Cư xử bất thường, có khi rất yên lặng, lúc sau lại rất bạo lực và giận dữ.
  • “Hành hạ” đồ chơi, ví dụ như đánh búp bê và nói với chúng rằng “Mày là đồ tồi”.
  • Quá tăng động so với trẻ lúc trước.

Xâm Hại Thể Chất Trẻ Em

Xâm hại thể chất trẻ em bao gồm những hành vi gây thương tích và đau đớn cho cơ thể của trẻ. Bóp cổ, cắn, đánh đập, lắc trẻ một cách thô bạo, đốt làm bỏng trẻ, dùng dao cứa lên người trẻ là một số hình thức xâm hại thể chất trẻ em.

Xâm Hại Thể Chất Trẻ Em
Xâm Hại Thể Chất Trẻ Em

Xâm hại thể chất trẻ em có thể là kết quả của việc trừng phạt hà khắc hoặc cố ý làm tổn thương trẻ. Sử dụng dây xích, thắt lưng, gậy gộc để đánh trẻ, hoặc các hình thức trừng phạt khác lên người trẻ là ví dụ điển hình cho việc xâm hại thể chất đối với trẻ em.

Một đứa trẻ bị xâm hại thể chất có thể:

  • Luôn cảm thấy lo sợ và luôn có suy nghĩ rằng có điều gì xấu sắp xảy ra
  • Sợ người khác hoặc sợ một địa điểm nào đó
  • Có các vết bầm tím, vết cắt, sẹo, vết bỏng, gãy xương hoặc những vết cắn trên cơ thể

Bỏ Mặc Trẻ Em

Bỏ mặc trẻ em có nghĩa là không quan tâm trẻ và cung cấp cho trẻ những nhu cầu thiết yếu mà trẻ cần để phát triển khỏe mạnh.

Bỏ Mặc Trẻ Em - Xâm Hại Trẻ Em
Bỏ Mặc Trẻ Em – Xâm Hại Trẻ Em

Bỏ mặc trẻ em bao gồm:

  • Không cho trẻ một nơi ở sạch sẽ, an toàn
  • Không cung cấp đủ thức ăn, quần áo, nơi ở hoặc tình yêu cho trẻ
  • Không cung cấp dịch vụ y tế cho trẻ khi trẻ cần
  • Không đảm bảo cho trẻ được đến trường

Một đứa trẻ bị bỏ mặc có thể:

  • Trông có vẻ mệt mỏi, đói khát, hoặc bẩn thỉu
  • Có vẻ như không lớn hoặc không phát triển
  • Có vẻ như không quan tâm đến điều gì

Một đứa trẻ khi không được đáp ứng các nhu cầu cơ bản về tinh thần và thể chất, là một đứa trẻ bị bỏ mặc.

Tham Khảo Thêm: Cha mẹ cần làm gì để giúp trẻ khỏe mạnh

Xâm Hại Tình Dục Trẻ Em

Xâm hại tình dục là những hành vi ép buộc, lôi kéo và dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hoạt động liên quan đến tình dục. Bao gồm dâm ô, cưỡng dâm, hiếp dâm, giao cấu với trẻ em và sử dụng trẻ em vào mục đích khiêu dâm, mại dâm dưới bất kỳ hình thức nào.

Xâm hại tình dục bao gồm cả việc động chạm gián tiếp hoặc động chạm trực tiếp vào người khác theo cách gợi dục khi không được sự đồng ý của người khác. Về mặt pháp lý, một em bé chưa có khả năng đồng ý cho phép người khác được làm gì mình.

Xâm hại tình dục có thể xảy ra với bất kỳ đứa trẻ nào, bất kể giới tính, độ tuổi, dân tộc, xuất thân, địa điểm sinh sống hay bản năng tính dục của trẻ.

Xâm Hại Tình Dục Trẻ Em
Xâm Hại Tình Dục Trẻ Em

Trẻ bị xâm hại tình dục có thể có biểu hiện sau:

  • Khu vực bộ phận sinh dục bị sưng hoặc bầm tím
  • Đột nhiên hành động rất khác so với thông thường, hoặc có những biểu hiện hành vi với hai thái cực khác nhau (trầm lắng rồi hung dữ, rụt rè sau đó đòi hỏi)
  • Gặp ác mộng, sợ hãi khi phải ngủ một mình hoặc sợ đi ngủ
  • Gặp khó khăn khi đi lại hoặc khi ngồi
  • Bị bệnh lây qua đường tình dục
  • Có dịch tiết hoặc chất lỏng chảy ra từ âm đạo hoặc trực tràng
  • Biết nhiều về chủ đề tình dục hơn so với lứa tuổi
  • Sử dụng ngôn từ hoặc từ ngữ mang tính tình dục không phù hợp với lứa tuổi
  • Có hành động dục tính. Điều này có nghĩa là trẻ ép trẻ khác chơi tình dục với mình hoặc thích thú chơi tìn h dục với trẻ khác lớn tuổi hơn hoặc ít tuổi hơn rất nhiều

Bảo vệ trẻ khỏi bị xâm hại tình dục. Hãy dạy cho trẻ: Về “bộ phận riêng tư” hay “bộ phận kín”: là (những phần cơ thể được che bởi đồ lót, đồ tắm hay đồ bơi)

  • Không ai được đụng chạm vào bộ phận kín của trẻ trừ khi để khám, chữa bệnh và vệ sinh thân thể cho trẻ
  • Sự khác biệt giữa cử chỉ “động chạm phù hợp” và “động chạm không phù hợp”
  • Không ai được bắt trẻ đụng chạm vào bộ phận kín của họ
  • Nếu điều đó xảy ra, hãy nói “KHÔNG”, “BỎ ĐI”, và “KỂ LẠI” với cha mẹ hoặc người lớn đáng tin cậy để nhận được sự giúp đỡ”
  • Trẻ không bao giờ nên có bất cứ “bí mật” nào với người lớn. (Trẻ có thể có “những bất ngờ” với người lớn hơn. Những bất ngờ như quà sinh nhật. Bất ngờ được giữ trong một khoảng thời gian ngắn và sẽ được chia sẻ với những người khác ngay sau đó)

Phải Làm Gì Khi Biết Trẻ Bị Xâm Hại Tình Dục

Chẳng có ba mẹ nào muốn nghĩ rằng con mình có thể bị xâm hại tình dục. Nếu trẻ nói với bạn về xâm hại tình dục hoặc có dấu hiệu làm bạn nghi ngờ điều này đang xảy ra với con mình, hãy làm ngay những việc sau đây:

  • Hãy nói chuyện với trẻ. Giữ bình tĩnh, lắng nghe những gì trẻ đang nói với bạn. Hãy để trẻ nói theo cách riêng của mình. Đừng làm gián đoạn hay cố gắng thay đổi những gì trẻ đã và đang nói ra. Hãy để trẻ biết rằng con đã làm một điều tốt khi kể chuyện này với bạn
  • Chấp nhận cảm giác của trẻ. Trẻ có thể cảm thấy tức giận, sợ hãi, buồn phiền, hoặc lo lắng. Hãy nói với trẻ rằng những cảm xúc hiện giờ của trẻ là hoàn toàn bình thường và bạn sẽ bảo vệ trẻ
  • Nói cho trẻ biết đó không phải lỗi của trẻ. Hãy cho trẻ biết rằng người kia đã sai. Nếu bạn tức giận hoặc buồn phiền, hãy đảm bảo rằng trẻ biết là bạn không tức giận hoặc khó chịu với trẻ
  • GỌI SỰ GIÚP ĐỠ. Xâm hại trẻ em là trái pháp luật. Hãy báo cáo việc xâm hại này cho các cơ quan bảo vệ trẻ em hoặc tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em ‘số điện thoại 111’, người làm công tác bảo vệ trẻ em, Ủy ban nhân dân xã/phường và công an khu vực bạn ở. Bạn cũng có thể muốn tìm một nhân viên tư vấn để giúp trẻ hồi phục sau sự việc xâm hại này.

Xâm hại tình dục có thể xảy ra đối với cả trẻ em gái và trẻ em trai

Cần Làm Gì Nếu Nghi Ngờ Một Trẻ Em Bị Xâm Hại
Cần Làm Gì Nếu Nghi Ngờ Một Trẻ Em Bị Xâm Hại

Nên Làm Gì Nếu Nghi Ngờ Một Trẻ Em Bị Xâm Hại

Bất cứ ai biết hoặc nghĩ rằng một trẻ em bị bỏ mặc hoặc bị xâm hại cần phải báo ngay với những người có thể giúp đỡ trẻ và những cơ quan có thẩm quyền.

Tuỳ thuộc vào nơi bạn đang sinh sống, bạn có thể liên hệ với:

  • Công an khu vực
  • Cơ quan công an các cấp
  • Người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã/phường nơi xảy ra vụ việc
  • Cơ quan lao động – thương binh và xã hội các cấp
  • Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra vụ việc
  • Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (gọi số “111”)

Khi trẻ bị xâm hại, Bạn cần thông báo với các cơ quan chức năng để có biện pháp giúp đỡ trẻ.

Các cơ quan và cán bộ bảo vệ trẻ em nêu trên sẽ có trách nhiệm bảo vệ những trẻ bị bỏ mặc hoặc bị xâm hại, kiểm tra và giải quyết vụ việc. Nhiệm vụ của họ là đảm bảo trẻ em được khỏe mạnh và an toàn.

Không riêng cha mẹ và người thân của trẻ, bất cứ ai cũng phải báo ngay cho các cơ quan có thẩm quyền nếu nghi ngờ hoặc biết có một trẻ bị xâm hại, để kịp thời giúp đỡ trẻ. Điều này cũng áp dụng cho tất cả những ai đang làm công việc có liên quan tới với trẻ em, thanh thiếu niên và cha mẹ, ví dụ, giáo viên, người chăm sóc trẻ, nhân viên y tế, nhân viên xã hội, nhà tâm lý học và những người khác.

Bạn có góp ý về bài viết hoặc thắc mắc cần giải đáp, mong bạn hãy để lại ý kiến của mình vào khung bình luận bên dưới nha. Thường xuyên truy cập Hóc Bà Tó để đọc thêm nhiều bài viết mới bạn nha.

Mời bạn tham khảo thêm các Series bài viết về cách nuôi dạy con cái bằng cách nhấn vào nút bên dưới:

Bài Viết Liên Quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button