Các bệnh thường gặp ở trẻ em Cách nhận biết và xử lý
Hệ miễn dịch của trẻ nhỏ đang trong quá trình học hỏi. Các cơ quan trong cơ thể cũng chưa phát triển hoàn thiện. Khi gặp điều kiện không tốt về môi trường, thời tiết, trẻ rất dễ bị bệnh. Vậy làm sao cha mẹ có thể nhận biết được trẻ đang bị bệnh. Và cách xử lý các bệnh thường gặp ở trẻ như thế nào? Mời bạn tham khảo bài viết này nha.
Làm Thế Nào Để Cha Mẹ Nhận Biết Trẻ Đang Bị Bệnh
Chắc chắn là sẽ khác những trẻ đang khỏe mạnh, trẻ khi bị ốm thường có bề ngoài và các biểu hiện khác thường:

- Trẻ có thể trông nhợt nhạt hoặc bạn có cảm giác thân nhiệt của trẻ lạnh hơn bình thường.
- Trẻ có thể bị đỏ mặt, da nóng và khô hoặc đổ mồ hôi.
- Trẻ có thể bị đi ngoài phân lỏng và nôn.
- Trẻ có thể ngủ nhiều hơn bình thường hoặc trở nên mệt mỏi.
- Trẻ có thể kêu đau trong người.
- Trẻ có thể không muốn uống hoặc ăn.
- Trẻ có thể rên rỉ hoặc trở nên cáu kỉnh
- Trẻ có thể không vui hoặc trông buồn bã.
- Trẻ đầy hơi, chướng bụng, quấy khóc hoặc bỏ ăn
Khi Nhận Thấy Trẻ Đang Bị Ốm, Cha Mẹ Nên Làm Gì?

Nếu bạn thấy rằng trẻ có thể đang bị bệnh, bạn hãy:
- Đo nhiệt độ cho trẻ.
- Khuyến khích trẻ nghỉ ngơi.
- Cho bú mẹ nhiều hơn nếu trẻ chưa cai sữa.
- Khuyến khích trẻ uống thêm nước, sinh tố, nước trái cây.
- Nếu sờ thấy trẻ nóng, đừng đắp thêm chăn cho trẻ, hãy chườm khăn ấm vào bẹn hoặc nách của trẻ.
Với các bệnh thường gặp ở trẻ, bạn chỉ cần làm những việc như trên là tạm ổn. Tuy nhiên khi thấy trẻ trở nên mệt hơn và có biểu hiện các dấu hiệu bệnh khác, bạn cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám bệnh.
Đưa Trẻ Đi Khám Bệnh
Dù có thể trẻ đang bị một trong các bệnh thường gặp ở trẻ, nhưng nếu trẻ có biểu hiện lạ, hãy đưa trẻ đi khám ngay. Trước khi đưa trẻ đi khám bệnh, bạn hãy chú ý nhớ lại về tất cả những biểu hiện không bình thường ở trẻ. Bạn nói được càng nhiều thông tin về tình trạng không ổn của con cho cán bộ y tế biết, con bạn sẽ càng sớm nhận được sự giúp đỡ phù hợp.

Bạn hãy chú ý xem con bạn có:
- Sốt
- Nôn (trẻ nôn ra cái gì, nôn bao nhiêu lần, nôn nhiều hay ít)
- Chảy nước mũi hoặc ho (trẻ có gặp vấn đề về đường thở không)
- Uống hoặc ăn ít hơn
- Kêu đau bụng
- Bị tiêu chảy (trẻ bị tiêu chảy nhiều hay ít, phân trông như thế nào, có máu trong phân không)
- Biểu hiện kỳ lạ (VD: trẻ trông ốm yếu, hay buồn ngủ, khó tính?)
- Có dấu hiệu phát ban/nổi mụn đỏ
- Gãi hay cọ xát tai
Và nhớ mang sổ khám bệnh hoặc đơn thuốc của lần trước nếu là khám lại bạn nha.
Các Bệnh Thường Gặp Ở Trẻ Em Và Cách Xử Lý
Trẻ Bị Ho
Một trong các bệnh thường gặp ở trẻ em là ho. Bé bị ho chưa hẳn đã là không tốt. Mục đích của ho là để tống chất nhầy ra khỏi hệ thống hô hấp.

Cha Mẹ Cần Làm Gì
- Chắc chắn rằng không có ai hút thuốc gần trẻ
- Không để trẻ ở nơi có khói bếp
- Dạy trẻ biết cách ho hoặc hắt hơi vào áo hoặc vào chỗ khuỷu tay. Hắt hơi hoặc ho vào bàn tay sẽ dễ làm vi trùng phát tán
- Khi chưa nhận được sự tư vấn từ nhân viên y tế, không tự ý cho trẻ dưới 2 tuổi uống thuốc hoặc si-rô trị ho.
- Kiểm tra với dược sỹ hoắc cơ sở y tế trước khi cho trẻ trên 2 tuổi uống si rô trị ho
Nhờ Sự Giúp Đỡ Khi
- Ho liên tục
- Nôn nhiều hơn một lần khi ho
- Bị ho nhiều đến mức trẻ không thể ngủ hoặc làm gì khác khi ho
- Có tiếng ồn hoặc âm thanh lạ khi thở
- Thở rất khó khăn hoặc có vấn đề về hít và thở
Trẻ Bị Sốt
Khi nhiệt độ cơ thể cao hơn bình thường thì bé đã bị sốt. Sốt là dấu hiệu cho thấy có thể trẻ đã bị bệnh. Đây là cách tự nhiên của cơ thể chống lại bệnh tật. Trẻ nhỏ bị sốt thường cao hơn so với người lớn. Một vài nguyên nhân thường gặp khiến trẻ bị sốt là trẻ bị nhiễm trùng hoặc các bệnh khác. Tuy nhiên cũng có thể trẻ bị sốt do vừa mới được tiêm chủng hoặc do trẻ mặc quá nhiều áo quần.

Cha Mẹ Cần Làm Gì
- Bạn hãy đo nhiệt độ cho trẻ để kiểm tra xem trẻ có sốt không nếu như bạn sờ thấy cơ thể trẻ nóng (Nếu thân nhiệt trên 38 độ, trẻ đã sốt)
- Đảm bảo nhiệt độ phòng không quá nóng
- Không được quấn trẻ trong chăn. Mặc quần áo mỏng cho trẻ.
- Không cho trẻ tắm lạnh hoặc chườm đá để hạ sốt vì chúng có thể gây ra hiện tượng co mạch và làm trẻ sốt cao hơn.
- Chỉ khi trẻ bị sốt trên 38.5 độ C hoặc thấy trẻ khó chịu, cáu kỉnh mới cho trẻ uống thuốc hạ sốt. Tham khảo liều lượng dùng theo chiều cao và cân nặng của trẻ.
Tham Khảo Thêm: 4 việc ba mẹ cần làm khi chăm sóc trẻ
Nhờ Sự Giúp Đỡ Khi
Sốt là một trong các bệnh thường gặp ở trẻ em, nhưng bạn hãy nhờ trợ giúp y tế nếu trẻ:
- Dưới 6 tháng tuổi và bị sốt.
- Trên 6 tháng tuổi và bị sốt kéo dài hơn 48 giờ.
- Có các vấn đề khác ngoài sốt, ví dụ như tiêu chảy, nôn, cứng cổ, phát ban, đau tai hoặc li bì, co giật.
Trẻ Bị Tiêu Chảy
Khi trẻ đi đại tiện khoảng từ 3 lần trở lên trong vòng 24 giờ, đi ngoài phân lỏng và loãng, trẻ đã bị tiêu chảy. Nếu trẻ có thêm tình trạng nôn mửa, sốt hoặc trong phân có máu thì bệnh đã khá trầm trọng.
Bạn hãy rửa tay ngay sau khi thay tã hoặc chăm sóc cho trẻ để hạn chế tiêu chảy lây lan cho các thành viên trong gia đình.

Cha Mẹ Cần Làm Gì Khi Trẻ Bị Tiêu Chảy
Tiêu chảy cũng là một trong các bệnh thường gặp ở trẻ em. Lúc này, cần bù lại phần nước đã bị mất đi khi trẻ tiêu chảy.
Đối Với Em Bé:
- Cách bù nước tốt nhất chính là cho bé bú. Hãy cho bé bú liên tục.
- Đưa bé đến cơ sở y tế hoặc gọi trợ giúp y tế nếu bé dưới 6 tháng tuổi.
Đối Với Trẻ Lớn Hơn
- Cho trẻ bú liên tục
- Cho trẻ ăn đơn giản, dễ tiêu, có thể là thức ăn lỏng
- Khuyến khích trẻ uống càng nhiều nước bù điện giải (Oresol) càng tốt
- Không cho trẻ ăn các món tráng miệng ngọt hoặc các đồ ăn đồ uống ngọt, uống nước hoa quả cho đến khi trẻ ngừng tiêu chảy.
Bạn có thể tự làm nước điện giải (Oresol). Trộn đều với nước đun sôi để nguội: 1 lít nước (4 cốc), Muối: 2 ml (1/2 thìa cà phê), Đường: 20 ml (4 thìa cà phê).
Hãy gọi ngay sự giúp đỡ của y tế nếu trẻ:
- Bị tiêu chảy có máu trong phân hoặc có phân màu đen và bị sốt trên 38.5°C
- Bị tiêu chảy và nôn
- Bị tiêu chảy kéo dài hơn 24 giờ
- Không ăn hoặc uống, rất uể oải
- Có các dấu hiệu cơ thể bị mất nước như:
- Da hoặc miệng khô
- Mắt bị trũng
- Ít đi tiểu hoặc nước tiểu có màu vàng đậm
Trẻ Bị Dị Ứng
Khi cơ thể trẻ có phản ứng với một thứ gì đó trong khi việc này không xảy ra với hầu hết những người khác, trẻ bị dị ứng.

Nguyên nhân có thể gây dị ứng cho trẻ:
- Thức ăn: hải sản, sữa, trứng, đậu phộng, đậu nành, hạt vừng
- Những thứ trong không khí như khói thuốc lá, bụi
- Động vật: chó, mèo, cá, chim
- Những thứ chạm vào da như kem dưỡng da, xà phòng
- Thuốc như thuốc kháng sinh
Dấu hiệu của phản ứng dị ứng như:
- Da bị kích ứng: đỏ, ngứa nổi mẫn, chảy nước, khô, ráp
- Sưng miệng và môi
- Khó thở hoặc thở khò khè
- Ngứa dặm mắt, chảy nước mũi
- Nôn, tiêu chảy, đau bụng
Cha Mẹ Cần Làm Gì
- Nếu bạn nghĩ rằng trẻ bị dị ứng, hãy đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế. Bạn cần phải tìm ra liệu vấn đề thực sự có phải là dị ứng không, và nếu đúng, trẻ dị ứng với những thứ gì.
- Nếu bạn đã biết trẻ bị dị ứng với cái gì, đừng để trẻ gần với tác nhân gây dị ứng đó.Cán bộ y tế có thể kê đơn thuốc hoặc yêu cầu áp dụng các cách điều trị khác cho trẻ..
Nhờ Sự Giúp Đỡ Khi
Có một số phản ứng dị ứng rất nghiêm trọng, được gọi là “phản vệ”. Cần gọi trợ giúp y tế hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất NGAY LẬP TỨC nếu trẻ có một trong các dấu hiệu sau:
- Nhịp thở nhanh và nông hơn bình thường, tim đập nhanh
- Khó thở, có vấn đề về thở
- Bị sưng lưỡi, miệng, môi hoặc mắt
- Da ướt và lạnh
- Chóng mặt hoặc ngất xỉu
- Miệng trẻ cảm thấy ngứa hoặc tê
Tham Khảo Thêm: 5 điều cha mẹ cần làm để giúp trẻ khỏe mạnh
Hội Chứng Quấy Khóc (Khóc Dạ Đề) Ở Trẻ Sơ Sinh
Khóc dạ đề không phải là các bệnh thường gặp ở trẻ em mà là một vấn đề đến nay vẫn chưa tìm ra giải pháp.
Không riêng em nào, tất cả các em bé đều khóc, một số bé khóc nhiều hơn các bé khác. Quấy khóc ở trẻ là một xu hướng bình thường. Trẻ thường bắt đầu quấy khóc từ khoảng hai tuần sau sinh, sau đó khóc thường xuyên hơn. Nhiều nhất là ở giai đoạn khoảng hai tháng tuổi và giảm dần sau đó.
Hội chúng khóc dạ dề ở trẻ cũng theo xu hướng như vậy nhưng với cường độ mạnh hơn nhiều lần. Rất khó xử lý khi trẻ khóc dạ đề.
- Bé khóc thường vào buổi đêm, khóc kéo dài hàng giờ đồng hồ
- Dường như không có cách nào có thể giúp bé nín khóc hoặc trấn an bé, bé khóc và khóc trong thời gian dài, bất kể bạn làm gì.

Bạn có thể cảm thấy rất bất lực, vô vọng và cực kỳ, cực kỳ mệt mỏi.
Những hãy tự nhắc nhở bản thân mình rằng trẻ khóc dạ đề là hiện tượng rất bình thường và sẽ không khóc mãi.
Đôi lúc, bạn cũng sẽ cảm thấy bực bội. Nếu bạn thấy rằng có thể bạn sẽ làm đau bé, hãy để bé ở một nơi an toàn như trong cũi của bé. Bạn nên tạm rời xa bé một vài phút cho đến khi bạn cảm thấy bình tĩnh lại và có thể kiểm soát được bản thân.
Bé khóc dạ đề nguyên nhân không phải là do những điều ba mẹ làm, cũng không phải là lỗi của bé.
Đừng tự đổ lỗi cho bản thân mình hay đổ lỗi cho em bé. Chưa ai thực sự biết được nguyên nhân của khóc dạ đề là gì. Hoặc vì sao có em bé lại khóc dạ đề trong khi có những em bé khác lại không khóc. Tham Khảo Thêm: Cách xử lý những hành vi xấu của trẻ
Bạn Cần Phải Làm Gì Khi Bé Khóc Dạ Đề
- Cố gắng trấn an và làm dịu bé bằng nhiều khách khác nhau. Hãy thử bế bé. đi lại, lắc lư, ôm ấp, cho bé ăn hoặc hát cho bé nghe.
- Khi bé khóc dạ đề, bé sẽ cần năng lượng và sự kiên nhẫn của bạn. Tìm ai đó giúp đỡ nếu thấy cần.
- Cố gắng nghỉ ngơi khi bé ngưng khóc để bạn không bị kiệt sức.
Đó là cách nhận biết và xử lý các bệnh thường gặp ở trẻ để mọi người tham khảo thêm. Hi vọng sẽ giúp bạn có thêm một chút kinh nghiệm trong quá trình nuôi dạy con. Nếu có thắc mắc về các bệnh thường gặp ở trẻ cần được giải đáp hoặc muốn góp ý thêm cho bài viết, mong bạn hãy để lại bình luận vào khung bên dưới. Cảm ơn bạn rất nhiều.
Mời bạn tham khảo thêm các Series bài viết về cách nuôi dạy con cái bằng cách nhấn vào nút bên dưới: